Lại ngước nhìn người Nhật & Hàn

HUY ĐĂNG 15/05/2024 10:28 GMT+7

TTCT - Vị thế của Hàn Quốc và Nhật Bản với làng bóng đá châu Á không chỉ thể hiện ở thành tích hay các siêu sao, mà còn ở số lượng những chiến lược gia quốc tế của họ.

Việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vừa bổ nhiệm cựu danh thủ Kim Sang Sik làm HLV trưởng tiếp tục cho thấy xu hướng trọng dụng các chiến lược gia Hàn Quốc - Nhật Bản của bóng đá Đông Nam Á.

HLV Kim Sang Sik được quan tâm nhiều trong ngày ra mắt bóng đá VN. Ảnh: Minh Đức

HLV Kim Sang Sik được quan tâm nhiều trong ngày ra mắt bóng đá VN. Ảnh: Minh Đức

Trào lưu HLV Nhật Bản và Hàn Quốc

Ông Kim là HLV người Hàn Quốc thứ tư đang làm việc ở Đông Nam Á, bên cạnh các ông Shin Tae Yong (Indonesia), Kim Pan Gon (Malaysia) và Park Soon Tae (Timor Leste). 

Người Nhật cũng rất ảnh hưởng trên ghế HLV, với Masatada Ishii đang cầm trịch tuyển Thái Lan và Tsutomu Ogura dẫn dắt tuyển Singapore. Đó là chưa kể tuyển Campuchia cách đây không lâu đã làm dậy sóng bóng đá khu vực với cựu danh thủ Keisuke Honda - người giữ chức giám đốc kỹ thuật kiêm HLV của đội.

Từ chỗ mải miết "theo Tây", bóng đá Đông Nam Á những năm gần đây ngả dần về xu hướng trọng dụng các chiến lược gia Nhật Bản và Hàn Quốc - 2 nền bóng đá Đông Á đứng đầu châu lục. 

"Xu hướng này thật sự thú vị, bởi nhiều quốc gia Đông Nam Á vốn ảnh hưởng bởi các nước phương Tây và một phần văn hóa Ấn Độ, hơn là 2 cường quốc Đông Á", Adrian De Calan, ký giả của AFP, nhận xét.

Thành công của HLV Park Hang Seo cùng bóng đá Việt Nam đã góp phần tạo nên xu hướng này. Tiếp đó là những bài học đắt giá khi nhiều HLV tên tuổi đến từ châu Âu thất bại ở Đông Nam Á, như Milovan Rajevac với tuyển Thái Lan, hay gần đây là Philippe Troussier với bóng đá Việt Nam. 

Và xu hướng đó không chỉ dừng lại ở Đông Nam Á, và không chỉ ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Tính từ đầu mùa bóng, 5 giải vô địch của Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Malaysia có tổng cộng 5 HLV trưởng người Nhật và 2 HLV trưởng người Hàn Quốc làm việc.

Bóng đá Hàn Quốc và Nhật Bản hùng mạnh là chuyện ai cũng biết, nhưng điều đó chưa chắc đã dẫn đến cơ hội làm việc quốc tế cho nhiều HLV từ 2 nền bóng đá này.

Đơn cử như bóng đá Anh hiện có rất nhiều cầu thủ ngôi sao, nhưng lại chẳng có mấy HLV người Anh nổi tiếng. Hàn Quốc và Nhật Bản thì khác. Ở đẳng cấp châu Á, đào tạo HLV đang trở thành "đặc sản" của hai cường quốc Đông Á này.

Tin cựu danh thủ Kim Sang Sik được VFF bổ nhiệm đã gây chú ý ở tầm châu lục, vì ông Kim từng là một ngôi sao thực thụ của bóng đá Hàn Quốc, với 59 lần khoác áo tuyển quốc gia. Khi còn là cầu thủ, ông Kim từng vô địch Hàn Quốc đến 5 lần. 

Thông thường một cầu thủ ngôi sao đến trình độ đó sẽ khó có nhiều thời gian tập trung cho học vấn, nhất là khi ông Kim nổi tiếng là một tay chơi thời còn đá bóng.

Nhưng dù rất cá tính và sự nghiệp thăng hoa, ông Kim lại có bằng thạc sĩ chuyên ngành giáo dục thể chất của Đại học Daegu. Hơn thế nữa, ông không hề là của hiếm với bóng đá Hàn Quốc, bởi học hành là truyền thống của giới cầu thủ chuyên nghiệp xứ kim chi. 

Shin Tae Yong, đàn anh của ông Kim ở đội tuyển Hàn Quốc và hiện là HLV trưởng tuyển Indonesia, cũng tốt nghiệp Đại học Yeungnam.

Park Ji Sung và Guus Hiddink. Ảnh: Euro Sports

Park Ji Sung và Guus Hiddink. Ảnh: Euro Sports

Xa hơn nữa, hầu như mọi siêu sao bóng đá Hàn Quốc đều tốt nghiệp đại học, từ lứa người hùng World Cup như Hong Myung Bo, Ahn Jung Hwan, Park Ji Sung cho đến các ngôi sao ngày nay. 

Tiêu biểu nhất là Park Ji Sung, người sau khi dang dở việc học ở Đại học Myongji (vì sớm ra nước ngoài thi đấu) đã rất nỗ lực để lấy bằng đại học ngành luật thể thao ở Đại học Montfort (Anh).

Tất nhiên, không phải ai cũng bền chí như Park Ji Sung. Những siêu sao sang châu Âu thi đấu từ tuổi đôi mươi như Son Heung Min hay Lee Kang In thường sẽ phải bỏ dở việc học hành.

Bóng đá sinh viên là nền tảng

Có thể ít người biết, nhưng HLV Park Hang Seo chính là ngôi sao bóng đá có bằng đại học vào loại "sang" nhất ở Hàn Quốc. Ông tốt nghiệp Đại học Hanyang vào năm 1980. Đây là một trong những trường nổi tiếng nhất của Hàn Quốc, và thường dẫn đầu về các chuyên ngành khoa học kỹ thuật. Ông Park tốt nghiệp khoa giáo dục thể chất ở đó.

Giống như Mỹ, Hàn Quốc có nền thể thao sinh viên đặc biệt lớn mạnh, và các trường đại học có thể xem là gốc rễ của thể thao đỉnh cao nước này. 

Nhiều môn chơi mang tính đại chúng ở xứ sở kim chi như bóng đá, bóng chày có hẳn liên đoàn dành cho sinh viên, và hầu như mọi cầu thủ trẻ đều trải qua giai đoạn thi đấu cho trường đại học trước khi ký hợp đồng chuyên nghiệp.

Đơn cử như Liên đoàn Bóng đá các trường đại học Hàn Quốc (Korea University Football Confederation) đã ra đời từ năm 1989. Họ tổ chức giải đấu, bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ sinh viên, và xa hơn là duy trì một nền tảng học hành cấp đại học cho các cầu thủ bóng đá tài năng.

Hàn Quốc có hệ thống giải bóng đá sinh viên rất mạnh. Ảnh: Yonsei University

Hàn Quốc có hệ thống giải bóng đá sinh viên rất mạnh. Ảnh: Yonsei University

Park Tae Seop, người từng giữ chức trưởng đoàn bóng đá sinh viên Hàn Quốc khi sang Việt Nam đá giao hữu, cho biết: 

"Hãy suy nghĩ thế này. Có nhiều cầu thủ ngôi sao đã chứng tỏ được khả năng chơi bóng chuyên nghiệp ngay từ tuổi U20. Họ hoàn toàn có thể ký hợp đồng với một đội bóng chuyên nghiệp và bỏ ngang việc học". 

"Nhưng họ hiểu rằng, nếu kiên nhẫn học xong đại học, họ sẽ có thêm nhiều thứ giá trị, và sự nghiệp của họ cũng chẳng hề mất đi bởi giải đấu dành cho các trường đại học của chúng tôi (U-League) cũng rất chất lượng".

Để hỗ trợ phong trào bóng đá sinh viên, Cúp Quốc gia Hàn Quốc còn cho phép các đội bóng của U-League tham dự. Và đó không phải là những suất "tình thương", bởi năm nào các đội bóng đại học cũng đá tưng bừng. 

Yeungnam - đội bóng của HLV Shin Tae Yong - từng rất nhiều lần tiến vào đến tận tứ kết của giải đấu danh giá thứ hai Hàn Quốc này, chỉ sau giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp K-League.

Nhờ thế, Hàn Quốc có thể tự hào là một trong những nền bóng đá hiếm hoi trên thế giới đào tạo trình độ đại học cho hầu như mọi cầu thủ chuyên nghiệp. Điều đó lý giải vì sao các cựu danh thủ của họ dễ dàng tìm được công việc HLV sau khi giải nghệ. 

Một cầu thủ chuyên nghiệp hẳn có lợi thế khi chuyển sang làm HLV, nhưng nghề HLV còn đòi hỏi nhiều điều khác ngoài năng lực đá bóng. Kiến thức, kỹ năng, sự nhẫn nại mà một người tốt nghiệp đại học thường sẽ có là một số yếu tố như vậy.

Nhật Bản thì sao? Dù không cấp quá nhiều học bổng cho những ngôi sao bóng đá trẻ, nhưng vẫn có nhiều cầu thủ Nhật tốt nghiệp đại học, và họ thậm chí đã dùng kiến thức trường lớp để làm sức bật cho sự nghiệp.

Một năm trước, tiền vệ cánh người Nhật Kaoru Mitoma từng tạo cơn sốt khi ra mắt ấn tượng ở Premier League. Truyền thông lục lại hành trình đi lên của Mitoma và phát hiện ra anh hoàn toàn là một sản phẩm của bóng đá học đường. 

Năm 18 tuổi, anh từ chối chơi cho các CLB chuyên nghiệp để chọn học khoa giáo dục thể chất của Đại học Tsukuba, và tốt nghiệp với luận văn tựa đề: "Nghiên cứu về vấn đề xử lý thông tin của bên tấn công trong những tình huống 1 đấu 1 trong bóng đá".

Tấm bằng đại học không phải là tất cả với nghề HLV, nhưng nó một lần nữa cho thấy sự chỉn chu trong hệ thống thể thao của người Hàn Quốc và Nhật Bản.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận